Nghệ sĩ Xuân Hinh khóc lóc trên sóng truyền hình, kể khổ về những điều ít ai biết: “Không phải giàu là sướng đâu”

Nghệ sĩ Xuân Hinh khóc lóc trên sóng truyền hình, kể khổ về những điều ít ai biết: “Không phải giàu là sướng đâu”

Trong chương trình Cuộc hẹn cuối tuần, nghệ sĩ Xuân Hinh lần đầu chia sẻ những góc khuất, thăng trầm trong cuộc đời.

Sinh năm 1960, là con trưởng trong gia đình nghèo đông con ở Bắc Ninh, tuổi thơ của nghệ sĩ Xuân Hinh gắn liền với ruộng đồng và những công việc lam lũ.

“Tôi là con trưởng nên vất vả từ bé. Từ năm 13 tuổi, tôi bắt đầu buôn bán, trải qua nhiều thăng trầm, cay đắng, uất ức, căm phẫn… Từ trước tới nay, cuộc đời tôi khá cơ cực nhưng bản thân không muốn nói ra bởi khi nói ra chỉ khiến anh em, gia đình buồn, suy nghĩ nhiều. Nhà tôi có 7 chị em và tôi là con đầu nên phải lo toan, gánh vác nhiều công việc trong gia đình”, Xuân Hinh kể.

Nghệ sĩ Xuân Hinh khóc trên sóng truyền hình, nói về góc khuất ít ai biết- Ảnh 1.

Nghệ sĩ Xuân Hinh khóc khi nhắc về tuổi thơ cơ cực và người bố đã khuất.

Không sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, nhưng hoàn cảnh khó khăn lại rèn cho ông nghị lực, ý chí, và sự lanh lợi. Từ nhỏ, Xuân Hinh phụ giúp bố mẹ đủ việc – nấu cơm, quét nhà, rửa bát, cho đến buôn bán khắp nơi.

Nam nghệ sĩ nhớ lại quãng thời gian mưu sinh vất vả, khi bất cứ công việc buôn bán nào có thể kiếm ra tiền, ông đều không nề hà. Từ buôn lợn, buôn gà, nước mắm cho đến vàng vụn, quần áo cũ – thứ gì có lời là ông làm.

Dù theo đuổi nghệ thuật dân gian như quan họ, chèo, rồi thi vào trường sân khấu, nhưng cuộc sống khó khăn khiến ông vẫn phải vừa học vừa buôn. Có thời điểm, ông phải ra tận đầu cầu Chương Dương đón xe đi Hoàng Liên Sơn, đổi hàng với bà con miền núi, mang về thành phố bán lại để trang trải cuộc sống.

Chính nhờ buôn bán từ thuở sinh viên, Xuân Hinh tiết lộ đã tích góp được khoảng 3-4 cây vàng. Gần như toàn bộ số tiền này ông dùng để chữa bệnh cho bố.

“Điều tiếc nuối nhất có lẽ là khi tôi nổi tiếng, thành công, bố lại không thể chứng kiến. Sau khi ra trường, kiếm được chút tiền, điều đầu tiên bản thân nghĩ đến là xây mộ cho cụ, rồi mua được một căn nhà. Sau khi trở thành bầu show, tôi trở về quê xây nhà thờ” , nghệ sĩ bộc bạch.

Nghệ sĩ Xuân Hinh khóc trên sóng truyền hình, nói về góc khuất ít ai biết- Ảnh 2.

Dù được khác giả gọi là “vua hài đất Bắc” nhưng Xuân Hinh chỉ muốn được gọi là ”kẻ chọc cười dân dã”.

Dù đã trải qua nhiều biến cố, khó khăn từ thời thơ ấu đến khi lập nghiệp, Xuân Hinh luôn xem quá khứ là phần đáng trân trọng trong hành trình trưởng thành.

“Tôi lớn lên bằng đôi tay, bằng ý chí và bằng cả sự khôn ngoan sớm của một đứa trẻ hiểu mình không được quyền yếu đuối”. Cơ duyên nghệ thuật đến với ông khi được tuyển vào Đoàn Dân ca Quan họ Bắc Ninh từ năm 16 tuổi. Sau đó, ông thi vào Trường Sân khấu – Điện ảnh và tiếp tục vừa học vừa làm, vẫn tranh thủ buôn bán, bởi như ông tự nhận: “Cái máu buôn ngấm rồi”.

Gần 5 thập kỷ đứng trên sân khấu, Xuân Hinh hóa thân hàng trăm vai: từ ông lão, bà lão, trẻ con, hát văn, hát xẩm, đến các vai hài kịch kinh điển. Dù được khán giả và truyền thông ưu ái gọi bằng nhiều danh xưng như “vua hài đất Bắc”, “vua chèo”, “danh hài số 1”, nhưng với ông – một người con của đất quan họ – mong muốn lớn nhất là được gắn bó trọn đời với văn hóa dân tộc. Ông chỉ muốn được gọi là “kẻ chọc cười dân dã”.

Gắn bó với chèo, xẩm, hát văn… gần nửa thế kỷ, Xuân Hinh coi văn hóa truyền thống như một “thứ của quý”, một “cái nghiệp vận vào thân”. “Nghỉ hưu rồi vẫn cứ mơ màng” , ông nói, khi nhắc đến từng vai diễn, từng câu hò, điệu hát – tất cả đều được ông chăm chút bằng cái tâm của người nghệ sĩ “làm dâu trăm họ”.

Win

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

×
Shopee Promotion