Rõ lý do b:ão số 3 áp sát mà trời lại hửng nắng, ngớt mưa: Hiện tượng này có gì bất thường?

Lúc 9 giờ sáng nay, vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 20.2 độ Vĩ Bắc; 106.5 độ Kinh Đông, cách Hải Phòng khoảng 70km về phía Đông Nam, cách Hưng Yên (địa bàn tỉnh Thái Bình cũ) khoảng 10km về phía Đông, cách Ninh Bình khoảng 25 km về phía Đông Bắc.
Sức gió mạnh nhất: Cấp 9 (75-88 km/h), giật cấp 11.Dự báo: Trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, tốc độ khoảng 10-15 km/h.

Bão số 3 đã giảm cấp nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Thưa ông, cập nhật mới nhất về vị trí và cường độ bão số 3 vào sáng nay như thế nào?
– Vào lúc 8 giờ sáng nay (22/7), tâm bão số 3 đã áp sát vùng biển ven bờ các tỉnh Hưng Yên và Ninh Bình. So với rạng sáng, cường độ bão đã giảm khoảng một cấp, hiện đang ở mức cấp 9.

Chúng tôi dự báo, trong khoảng thời gian từ 10 giờ đến 13 giờ trưa nay, bão sẽ chính thức đi vào đất liền qua khu vực này. Khi vào bờ, cường độ bão nhiều khả năng dao động ở mức cấp 8-9, với sức gió giật có thể lên tới cấp 11. Đây vẫn là mức gió nguy hiểm, hoàn toàn có thể gây ra nhiều rủi ro, nhất là tại những địa bàn ven biển.
Với cường độ như vậy, bão có thể gây ra những thiệt hại gì cho các khu vực nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp, thưa ông?
– Ngay cả khi bão đã suy yếu nhẹ, với sức gió cấp 9, giật cấp 11-12 khi đổ bộ, vẫn tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm
Các tỉnh Hải Phòng, Hưng Yên và Ninh Bình, nơi tâm bão đi qua cần đặc biệt lưu ý. Tại những khu vực này, bão có thể gây gãy đổ cây cối, tốc mái nhà cấp 4, làm hư hỏng công trình yếu, nhất là tại các xã, phường ven biển và vùng cửa sông.
Ngoài gió mạnh, không thể chủ quan với nguy cơ triều cường kết hợp nước dâng do bão, gây ngập úng cục bộ ở vùng trũng thấp ven biển.
Bên cạnh gió mạnh, hoàn lưu bão số 3 sẽ gây mưa lớn ở khu vực nào, và mức độ nguy hiểm ra sao, thưa ông?
– Hoàn lưu bão số 3 tiếp tục gây mưa rất to trên diện rộng, chủ yếu tại khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Trong đó, Thanh Hóa và Nghệ An là hai địa phương được dự báo sẽ hứng chịu mưa lớn nhất.

Tổng lượng mưa trong ngày và đêm nay phổ biến từ 150 – 300mm, thậm chí một số nơi mưa có thể vượt ngưỡng này. Lượng mưa lớn tập trung trong thời gian ngắn làm tăng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập úng ở vùng trũng thấp. Đặc biệt, khu vực vùng núi phía Tây của Thanh Hóa và Nghệ An là nơi cần được cảnh báo cao nhất về nguy cơ lũ quét và sạt lở.
Chúng tôi khuyến cáo chính quyền và người dân các địa phương này phải theo dõi sát diễn biến mưa bão và chủ động các phương án phòng tránh, nhất là trong ngày hôm nay, đêm nay và kéo dài sang 2-3 ngày tới.
Thưa ông, hôm qua tại Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh đã có mưa to, gió mạnh, nhưng sáng nay nhiều nơi lại có lúc ngớt mưa, trời hửng nắng. Liệu hiện tượng này sẽ còn tiếp tục hay không?
– Đây là đặc điểm khá đặc biệt của bão số 3 lần này. Cơn bão này có cấu trúc mây dạng CDO (Central Dense Overcast) – tức là mây đối lưu dày đặc chủ yếu tập trung ở phía nam hoàn lưu bão.
Hôm qua, khi bão đi vào Vịnh Bắc Bộ, vùng mây dày đã bao phủ và gây mưa lớn trên diện rộng khắp Đông Bắc Bộ, đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có Hà Nội. Nhưng hiện nay, khi tâm bão đã dịch chuyển xuống phía nam, gần ven biển Hưng Yên và Ninh Bình, toàn bộ khối mây đối lưu mạnh cũng dồn về phía nam.

Vì vậy, sáng nay mưa lớn chủ yếu xuất hiện ở Thanh Hóa, Nghệ An và một phần Hà Tĩnh. Còn tại Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc, mưa đã giảm, xuất hiện ngắt quãng và lượng không lớn.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là các khu vực này đã hoàn toàn an toàn. Trong ngày và đêm nay, mưa vẫn sẽ còn xảy ra ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, nhưng theo kiểu mưa gián đoạn, từng đợt. Người dân vẫn cần đề phòng vì các đợt mưa cục bộ có thể xuất hiện bất ngờ, đặc biệt là trong vùng ảnh hưởng của hoàn lưu bão.
Theo dự báo, mưa bão sẽ kéo dài trong bao lâu? Các địa phương cần lưu ý những gì trong những ngày tới?
– Từ nay đến sáng mai (23/7) là giai đoạn mưa bão hoạt động mạnh nhất. Sau đó, mưa vẫn còn kéo dài đến khoảng ngày 25/7 ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Điều đáng lo ngại là mưa kéo dài trên nền đất đã bão hòa nước, làm tăng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi và ngập úng ở vùng trũng. Thanh Hóa và Nghệ An là hai tỉnh cần đặc biệt cảnh giác.
Chúng tôi khuyến cáo chính quyền các địa phương theo dõi sát các bản tin cảnh báo, chủ động sơ tán người dân khỏi khu vực nguy hiểm, sẵn sàng phương án ứng phó với các tình huống xấu có thể xảy ra.